Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Vì sao chưa khởi tố vụ án?

 (PL&XH) - Vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra tại tòa nhà CT10, chung cư Đại Thanh đã trôi qua gần một tuần, nhưng đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng vẫn chưa làm rõ được trách nhiệm của các đơn vị liên quan. 

Sau vụ tai nạn khiến 3 công nhân thiệt mạng xảy ra ngày 18-5 tại tòa nhà CT10, khu đô thị Đại Thanh, trả lời báo chí vào chiều 23-5, ông Bạch Quốc Việt- Trưởng Phòng An toàn lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội (LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết: Nguyên nhân dẫn đến 3 công nhân tử vong là do chiếc lồng sắt của thiết bị vận thang bị mất phanh và rơi tự do. Cũng theo ông Việt: Đối với máy vận thang này nằm trong danh mục các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Sau sự cố tai nạn lao động xảy ra, đoàn kiểm tra đã xuống hiện trường vào ngày 21-5 nhưng Cty CP đầu tư Hải Phát (đơn vị thi công) không cung cấp được tài liệu và hồ sơ chứng minh được thiết bị kiểm định kỹ thuật an toàn.

“Thay vì khắc phục hậu quả đồng thời làm rõ nguyên nhân thì doanh nghiệp lại cố tình che đậy vụ việc, không khai báo tới các cơ quan chức năng và xóa sạch hiện trường vụ tai nạn. Dù trước đó, CA huyện Thanh Trì và Sở LĐ-TB&XH Hà Nội yêu cầu giữ nguyên hiện trường nhưng sau ngày thứ ba, đoàn kiểm tra đến thì hiện trường đã bị xóa sạch” - ông Việt cho hay.

Cũng theo ông Việt: “Tôi có thể khẳng định thiết bị này trước khi đưa vào sử dụng chưa được khai báo và kiểm định từ các cơ quan chức năng. Sau 3 ngày sự việc xảy ra, vào ngày 21 và 22-5, đoàn kiểm tra gồm Phòng An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH), CATP Hà Nội, CA huyện Thanh Trì, Viện Khoa học hình sự, tiến hành khám nghiệm hiện trường để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, nhưng trong quá trình đoàn kiểm tra xuống làm việc đã không nhận được sự hợp tác, đơn vị thi công quanh co, không trung thực và không đưa ra được bất cứ một tài liệu nào chứng minh thang máy đã được kiểm định an toàn”.

Trong thời gian tới, đoàn điều tra nguyên nhân vụ tai nạn lao động sẽ đề nghị các cơ quan chức năng khởi tố vụ án, xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật. Được biết: Tòa nhà CT10 thuộc dự án khu đô thị Đại Thanh do Cty Xây dựng tư nhân số I Lai Châu làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Cty CP đầu tư Hải Phát.

Ở góc độ pháp lý, Luật sư Trần Đình Triển- Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân phân tích: Đối với hạng mục thang máy xây dựng, khi nhập khẩu, Nhà nước khuyến khích không chịu thuế nhập khẩu, nhằm trang bị phương tiện để sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đơn vị nào sở hữu thang máy đó để xây dựng phải có trách nhiệm đảm bảo kỹ thuật, độ an toàn cả về tài sản cũng như con người. Việc xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đó dù vô ý hay cố ý đều có lỗi của chủ thang máy, sự kiện khiến 3 người chết thảm đó thì các lực lượng chức năng như Thanh tra lao động cần thanh tra có đảm bảo an toàn lao động không, hơn nữa, Thanh tra Nhà nước về xây dựng cũng phải tiến hành xem xét đơn vị thi công sử dụng các công cụ như vậy có đúng tiêu chuẩn của Nhà nước hay không? Đối với CQCA, cần xác minh điều tra xem có đủ yếu tố cấu thành tội phạm không?

Luật sư Trần Đình Triển cũng nêu quan điểm: Theo tôi, trong vụ việc này đã có dấu hiệu cấu thành tội phạm vô ý làm chết người do những việc không đảm bảo an toàn lao động cũng như phương tiện để đảm bảo cho việc xây dựng. Về phía các cơ quan chức năng có làm hết thẩm quyền hay không thì cần xem xét, có thể do tính chất phức tạp nên còn phải chờ kết luận về mặt kỹ thuật, hay bảo hộ lao động… nên chưa thể đưa ra kết luận một cách vội vàng được!


Lê Hoàng


Ngày 28/5: Khối ngoại bán ròng trên cả 2 sàn

 (NDHMoney) Sau khi quay trở lại mua ròng trong phiên hôm qua thì phiên hôm nay, nhà đầu tư ngoại lại bán ròng 30,919 tỷ đồng. 

Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên cả 2 sàn khi mua vào tổng cộng 8,437 triệu cổ phiếu tương đương giá trị mua đạt 199,774 tỷ đồng và bán ra tổng cộng 10,550 triệu cổ phiếu tương đương giá trị bán đạt 230,693 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng đạt 2,112 triệu cổ phiếu tương đương giá trị bán ròng 30,919 tỷ đồng.

Trên sàn HSX, khối ngoại mua vào 6,793 triệu cổ phiếu và khối lượng bán ra là 8,789 triệu cổ phiếu. Giá trị mua vào đạt 185,887 tỷ đồng và giá trị bán ra là 210,387 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng là 1,995 triệu cổ phiếu tương đương giá trị bán ròng đạt 24,499 tỷ đồng.

VSH là mã bị khối ngoại trên sàn HSX bán ròng mạnh nhất đạt 21,094 tỷ đồng. Khép phiên giao dịch, VSH tăng trần và khớp được tới trên 4 triệu đơn vị. Kế tiếp, mã BVH tăng 1% lên 53.000 đồng/CP và bị bán ròng 9,922 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, mã HPG được khối ngoại mua ròng mạnh nhất đạt 12,640 tỷ đồng. Phiên hôm nay, HPG tăng 0,9% lên 32.600 đồng/CP. Tiếp sau đó, 2 mã DPM và PET được mua ròng lần lượt 8,206 tỷ đồng và 7,895 tỷ đồng. Trong khi DPM tăng nhẹ 0,2% lên 44.500 đồng/CP thì PET tăng kịch trần.

Cũng tương tự như trên sàn HSX thì khối ngoại trên sàn HNX cũng đã bán ròng trở lại 116.900 cổ phiếu tương đương giá trị bán ròng đạt 6,419 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại đã mua vào 1,644 triệu cổ phiếu và bán ra 1,761 triệu cổ phiếu. Giá trị mua vào đạt 13,886 tỷ đồng còn giá trị bán ra là 20,306 tỷ đồng.

Mã PVS bị khối ngoại trên sàn HNX bán ròng mạnh nhất đạt 6,846 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 2 mã VCG và VND cũng bị bán ròng lần lượt 5,930 tỷ đồng và 2,826 tỷ đồng. Khép phiên giao dịch, PVS tăng 1,9% lên 15.700 đồng/CP, VCG đứng giá còn VND tăng 1,1% lên 9.500 đồng/CP.

Chiều ngược lại, SHB tăng 1,3% lên 7.600 đồng/CP và đứng đầu về giá trị mua ròng của khối ngoại trên sàn HNX đạt 9,854 tỷ đồng. Các mã còn lại đều chỉ có giá trị mua ròng dưới 500 triệu đồng.


Chỉ dư 200 lượng vàng phiên đấu thầu ngày 28/4

 7 ngân hàng thương mại trúng thầu với mức giá từ 40,78 - 40,83 triệu đồng/lượng, cao hơn so với giá sàn chưa tới 100 nghìn đồng/lượng. 

TheoVnExpress,sau 3 phiên liên tiếp bán vàng, phiên đấu thầu sáng nay, Ngân hàng Nhà nước chỉ dư 200 lượng vàng trong tổng số 26.000 lượng chào bán.

Ngân hàng Nhà nước bán được 25.800 lượng cho 7 ngân hàng thương mại với mức giá từ 40,78 - 40,83 triệu đồng/lượng, cao hơn so với giá sàn chưa tới 100 nghìn đồng/lượng.

Từ ngày 28/3/2013, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu tổ chức các phiên đấu thầu vàng miếng để can thiệp thị trường vàng, chủ yếu là nhằm mục tiêu bán vàng cho các tổ chức kinh doanh vàng để thanh toán cho khách hàng, đảm bảo tất toán vào ngày 30/6/2013.

Qua 23 phiên đấu thầu, tổng khối lượng trúng thầu là 580.400 lượng vàng (tương đương khoảng trên 22,3 tấn vàng) trong tổng số 666.000 lượng vàng đưa ra đấu thầu.

TBKTSGngày 27/5 cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ bán ra tổng cộng hơn 30 tấn vàng trong năm nay và nhập về một khối lượng tương ứng để bù đắp trạng thái vàng của các ngân hàng.
Theo dự kiến ban đầu là sẽ bán ra khoảng 20 tấn, bằng với số lượng các ngân hàng cần để tất toán trạng thái.

Tuy vậy, khi tổ chức các phiên đấu thầu, nhu cầu vàng đã không chỉ đến các ngân hàng nằm trong dạng này, mà còn đến từ phía người dân. Trong 20 tấn vàng đã bán ra, gần một nửa số vàng đã "mất hút" trong thị trường.

Đến thời điểm này vẫn còn thiếu trên 10 tấn vàng nữa mới đủ để các ngân hàng trả cho người gửi tiền. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bán ra trong thời gian tới, tối thiểu bằng mức trên.

Theo Dân Việt


Đã “bơm” hơn 22 tấn vàng thông qua đấu thầu

 Trong tổng số 26.000 lượng vàng mà Ngân hàng Nhà nước chào thầu sáng nay, có 25.800 lượng bán được cho các doanh nghiệp và ngân hàng tham gia bỏ thầu. 

Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ ngày 28/3 đến nay, cơ quan này đã tổ chức 23 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 580.400 lượng.

  

Hôm nay (28/5), Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức phiên đấu thầu vàng thứ 23, đồng thời là phiên đầu tiên tổ chức trong tuần này. Khối lượng chào thầu trong phiên này là 26.000 lượng vàng SJC loại 1 lượng, tương đương 1 tấn vàng.

Kết quả, chỉ có 200 lượng vàng trong số vàng chào thầu trên là không khớp được giá. Số 25.800 lượng vàng trúng thầu đã được bán cho 7 đơn vị tham gia bỏ thầu. Đây là các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đã thiết lập quan hệ mua, bán vàng miếng trực tiếp với Ngân hàng Nhà nước.

Trong thông báo về kết quả đấu thầu đăng trên website Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này không công bố mức giá sàn cụ thể đưa ra cho phiên đấu thầu. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong phiên này, giá trúng thầu cao nhất là 40,83 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là là 40,8 triệu đồng/lượng.

Các mức giá trúng thầu này cao hơn tới gần 200.000 đồng/lượng so với giá vàng SJC mà các doanh nghiệp niêm yết thu mua ở thời điểm diễn ra phiên đấu thầu sáng nay. Vào khoảng 9h sáng nay, các công ty vàng lớn báo giá mua vào vàng SJC chỉ khoảng 40,65 triệu đồng/lượng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ ngày 28/3 đến nay, cơ quan này đã tổ chức 23 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 580.400 lượng trên tổng số 666.000 lượng chào thầu. Khối lượng trúng thầu này tương đương 22,3 tấn vàng, trên khối lượng chào thầu tương đương 25,6 tấn vàng.

Trước khi hoạt động đấu thầu vàng chính thức diễn ra, các tổ chức tín dụng được cho là cần gom thêm khoảng 20 tấn vàng để đủ cho việc tất toán trạng thái trước hạn chót 30/6. Đến nay, số lượng vàng mà Ngân hàng Nhà nước bán ra qua đấu thầu đã vượt 20 tấn, nhưng các phiên đấu thầu gần đây cho thấy nhu cầu mua vàng đấu thầu vẫn còn mạnh.

Trong tuần trước, Ngân hàng Nhà nước tổ chức 3 phiên đấu thầu, mỗi phiên chào thầu 1 tấn, thì đều bán hết vàng.

Giá vàng SJC chiều nay nhìn chung ít biến động so với buổi sáng.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC lúc 15h30 báo giá vàng SJC cho thị trường Tp.HCM ở mức 40,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 40,92 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại Hà Nội cùng thời điểm, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở các mức tương ứng lần lượt là 40,8 triệu đồng/lượng và 40,9 triệu đồng/lượng.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán ra trên thị trường đang cao hơn khoảng 5,4 triệu đồng/lượng.

Sáng nay, 25.800 lượng vàng đã được bán ra

 (VOV) - 7 ngân hàng thương mại trúng thầu với mức giá từ 40,78 - 40,83 triệu đồng/lượng 

Phiên đấu thầu sáng nay (28/5), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán được 25.800 lượng vàng trong tổng số 26.000 lượng chào bán.

Có 7 ngân hàng thương mại trúng thầu với mức giá thấp nhất là 40,78 triệu đồng/lượng và cao nhất là 40,83 triệu đồng/lượng.

Như vậy, từ ngày 28/3/2013 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 23 phiên đấu thầu, tổng khối lượng trúng thầu là 580.400 lượng vàng (tương đương khoảng trên 22,3 tấn vàng) trong tổng số 666.000 lượng vàng đưa ra chào bán.

Thời báo Ngân hàng dẫn lời ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, trong 7 tuần vừa qua, NHNN đã nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng cung ứng ra thị trường thông qua đấu thầu. Điều này đã giúp thu hẹp sự mất cân đối cung – cầu trên thị trường.

Trước đó, trong thông cáo phát đi đầu tháng 5, NHNN cho biết sẽ nhập khẩu vàng để tăng dự trữ chính thức. Việc nhập khẩu vàng để bù đắp cho việc giảm dự trữ do bán cho các ngân hàng thương mại trong nước qua các phiên đấu thầu. Theo đó, lượng vàng nhập khẩu về sẽ tương đương với lượng bán ra tại các phiên đấu thầu./.


Hà Nội đã đặt mua trực thăng chữa cháy

 (PL&XH)- Sáng 28/5, các ĐBQH đã thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC. 

Hầu hết các ý kiến của các ĐBQH đều cho rằng, hậu quả của các vụ cháy thường gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, tuy nhiên các thiết bị PCCC hiện nay lại vừa thiếu vừa yếu.

ĐBQH Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cần quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan tổ chức, hộ gia đình, vì luật PCCC chưa quy định cụ thể rõ ràng nên khó thực hiện trong thực tế. Trong luật cũng chưa nêu chế tài. Mặc dù có đề cập đến việc bồi thường, nhưng nếu họ không thực hiện được thì sẽ như thế nào, vì nhiều trường hợp có khi bán cả nhà đi cũng không đền bù nổi.

Trong khi các phương tiện PCCC vừa thiếu, lại vừa yếu, ông Vinh và nhiều ĐBQH khác cũng đưa ra các tình huống “oái oăm” nhưng thường gặp, đó là tình huống cháy ở trong ngõ hẹp chỉ có xe máy đi được, khu vực đó lại không có đường nước, hay các tình huống cháy ở khu phố cổ, các tòa nhà cao tầng, đặc biệt cháy từ tầng 30 trở lên…thì sẽ ra sao? Cứu được một nhà thì khiến mấy nhà xung quanh nát, vậy việc đền bù thế nào?...

Có một điều khiến hầu hết các ĐB băn khoăn là hiện các xe thang chữa cháy chuyên nghiệp chỉ vươn được tới tầng 17. Và kể cả có phương tiện chữa cháy hiện đại thì gặp các phố nhỏ ngõ nhỏ tại các TP lớn của Việt Nam cũng đành “bó tay” chịu trận không thể tiếp cận hiện trường vụ cháy.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, hiện Hà Nội có 2 xe đặc chủng có thể chữa cháy tới tầng 39. Tuy nhiên, theo ông Nghị điều quan trọng là khi thiết kế các tòa nhà cao tầng ngay từ đầu đã phải lưu ý thiết kế hệ thống chữa cháy tại chỗ đồng thời phải trang bị các thiết bị chữa cháy tại chỗ bằng nước, bọt, khí, thang thoát hiểm trước khi phương tiện cứu hỏa đến. Một thông tin đáng quan tâm từ phía Bí thư Thành ủy Hà Nội là hiện Hà Nội cũng đặt mua máy bay trực thăng chữa cháy nên có thể trong tương lai gần tới đây người dân Thủ đô đừng quá lo lắng về việc cứu hỏa tại các tầng cao.

Theo ĐB Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) mặc dù luật đã ra đời được 12 năm nay nhưng việc xây dựng các tòa nhà cao tầng hiện nay cũng không đạt được những yêu cầu đề ra. Nguy cơ cháy nổ trong thời gian qua rất lớn. Ông Bình đề nghị luật phải quy định trách nhiệm của người đứng đầu rõ hơn. Ngoài ra ông cũng đề nghị trang thiết bị chữa cháy quy định cụ thể cho các chủ hộ, hộ gia đình tối thiểu là cái gì cũng phải định hướng trong luật.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) thì cho rằng: Ngân sách Nhà nước để bảo đảm cho phòng cháy, chữa cháy là cần thiết, song sử dụng như thế nào cho có hiệu quả là vấn đề cần quan tâm. Nhiều nước khác có cả máy bay chữa cháy, đầu tư rất lớn trong khi lực lượng phòng cháy, chữa cháy của ta có từ lâu, song cần tránh việc lâm vào tình trạng trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu và khó chữa cháy khi xảy ra sự cố.

T.P


Peugeot có kế hoạch bán nhà máy Meudon gần Paris

 Hãng sản xuất xe hơi Pháp Peugeot vừa tuyên bố kế hoạch đóng cửa và bán nhà máy Meudon 30 năm tuổi ở ngoại ô thủ đô Paris. 

Hoạt động tại một nhà máy của Peugeot. (Nguồn: carscoops.com)


Tuy nhiên, hãng xe của Pháp này cho hay không ai trong số 660 nhân viên của nhà máy sẽ bị mất việc.
Hãng xe lớn thứ hai của châu Âu xét về mặt doanh số là PSA Peugeot-Citroen này cho hay các hoạt động tại khu vực Meudon (chủ yếu dùng để nghiên cứu và phát triển) sẽ được sắp xếp lại ở những khu vực thuộc Paris khác và nhân viên của nhà máy sẽ được chuyển đi trước cuối năm 2014.
Theo tờ Financial Times, đây là nhà máy thứ hai mà Peugeot quyết định đóng cửa sau tuyên bố hồi năm ngoái rằng họ sẽ đóng cửa nhà máy Aulnay nằm gần Paris và 2.200 nhân viên sẽ bị mất việc làm sau quyết định này.
Các quyết định đóng cửa hai nhà máy nằm trong một chương trình tái cơ cấu trong bối cảnh Peugeot đang cố gắng thích nghi với lượng cầu xuống thấp ở châu Âu, khu vực tiêu thụ chủ yếu lượng xe do hãng xe trên sản xuất.
Trước đó, Peugeot cũng công bố kế hoạch cắt giảm 6.000 việc làm ở Pháp, song cuộc đình công kéo dài bốn tháng của nghiệp đoàn CGT tại nhà máy Aulnay đã khiến cho hãng xe trên chưa thực hiện được việc này.
PSA Peugeot Citroen đã báo cáo mức thua lỗ ròng kỷ lục là 5 tỷ euro trong năm 2012 và buộc phải nhận gói cứu trợ trị giá 7 tỷ euro của nhà nước Pháp.
Peugeot cho hay họ cần phải cắt giảm việc làm và bán tài sản để tăng hiệu suất. Năm ngoái, hãng đã kiếm được khoản tiền 2 tỷ euro nhờ bán tài sản và đặt mục tiêu thu về thêm 200 triệu USD trong năm nay./.

Huy Bình (Vietnam+)